Bản đồ tư duy – phương pháp dạy và học hiệu quả

Trong thời đại ngày nay, nguồn tài liệu học tập, nghiên cứu như: sách, tạp chí, báo, các kỷ yếu,…rất phong phú. Thêm vào đó là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin, chúng ta đang tiếp xúc với nguồn kiến thức mênh mông của thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta thường xuyên phải ghi nhớ, tổng hợp hay phân tích một vấn đề bằng nhiều  phương  pháp  như kẻ bảng, gạch  đầu dòng các ý chính, vẽ sơ đồ tổng hợp,…nhưng nó chưa bao giờ được hệ thống và được nghiên cứu kỹ lưỡng, mà chỉ được dùng tản mạn trong giới sinh viên học sinh trước các mùa thi.
Vì vậy, trong công tác giáo dục, ngoài vấn đề truyền đạt kiến thức cho sinh viên, chúng ta cần hướng sinh viên đến một phương pháp học tập tích cực và tự chủ để lĩnh hội tri thức, và giáo viên cũng cần có phương pháp nghiên cứu để luôn cập nhật kịp thời tri thức của thế giới. Với “biển thông tin” như thế, để tiếp cận tốt cần có phương pháp giúp hệ thống lại những kiến thức đó. Việc xây dựng được một “hình ảnh” thể hiện mối liên hệ giữa các kiến thức, sẽ mang lại những lợi ích đáng quan tâm về các mặt: ghi nhớ, phát triển nhận thức, tư duy, óc tưởng tượng và khả năng sáng tạo…Một trong những công cụ hết sức hữu hiệu để tạo nên các “hình ảnh liên kết” là Bản đồ Tư duy – MindMap. Bài viết này, xin giới thiệu phương pháp bản đồ tư duy do Tony Buzan đề xuất, được mệnh danh là “công cụ vạn năng cho bộ não” là phương pháp ghi chú đầy sáng tạo, hiện đang được ngành giáo dục khuyến khích đưa vào thực hiện trong giảng dạy và học tập.
1. Bản đồ tư duy (MindMap)
Bản đồ tư duy (Mindmap) là phương pháp được đưa ra như là một phương tiện mạnh để tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh của bộ não. Đây là cách để ghi nhớ chi tiết, để tổng hợp, hay để phân tích một vấn đề ra thành một dạng của lược đồ phân nhánh. Phương pháp này được phát triển vào cuối thập niên 60 (thế kỷ 20) bởi Tony Buzan, giúp ghi lại bài giảng mà chỉ dùng các từ then chốt và các hình ảnh. Cách ghi chép này nhanh, dễ nhớ và dễ ôn tập hơn.
Phương pháp này khai thác khả năng ghi nhớ và liên hệ các dữ kiện lại với nhau bằng cách sử dụng màu sắc, một cấu trúc cơ bản được phát triển rộng ra từ trung tâm, chúng dùng các đường kẻ, các biểu tượng, từ ngữ và hình ảnh theo một bộ các quy tắc đơn giản, cơ bản, tự nhiên và dễ hiểu. Với một Bản đồ tư duy, một danh sách dài những thông tin đơn điệu có thể biến thành một bản đồ đầy màu sắc, sinh động, dễ nhớ, được tổ chức chặt chẽ. Nó kết hợp nhịp nhàng với cơ chế hoạt động tự nhiên của não chúng ta. Việc nhớ và gợi lại thông tin sau này sẽ dễ dàng, đáng tin cậy hơn so với khi sử dụng kỹ thuật ghi chép truyền thống.
MindMap 10 điều nên học từ Albert Einstein
Bản đồ tư duy là một phương pháp học hiệu quả trong giáo dục
Mindmap Learn
Ưu điểm: So với các cách thức ghi chép truyền thống, thì phương pháp bản đồ tư duy có những điểm vượt trội như sau:
−   Ý chính sẽ ở trung tâm và được xác định rõ ràng.
−   Quan hệ hỗ tương giữa mỗi ý được chỉ ra tường tận. Ý càng quan trọng thì sẽ nằm vị trí càng gần với ý chính.
−   Liên hệ giữa các khái niệm then chốt sẽ được tiếp nhận lập tức bằng thị giác.
−   Ôn tập và ghi nhớ sẽ hiệu quả và nhanh hơn.
−   Thêm thông tin (ý) dễ dàng hơn bằng cách vẽ chèn thêm vào bản đồ.
−   Mỗi bản đồ sẽ phân biệt nhau tạo sự dễ dàng cho việc gợi nhớ.
−   Các ý mới có thể được đặt vào đúng vị trí trên hình một cách dễ dàng, bất chấp thứ tự của sự trình bày, tạo điều kiện cho việc thay đổi một cách nhanh chóng và linh hoạt cho việc ghi nhớ.
−   Có thể tận dụng hỗ trợ của các phần mềm trên máy tính
2. Lập bản đồ tư duy:
Một bản đồ tư duy hoạt động giống như cách mà bộ não chúng ta hoạt động. Mặc dù, bộ não có thể xử lý hầu hết các sự kiện phức tạp, song nó lại dựa trên các nguyên tắc hết sức đơn giản. Đó là lý do tại sao, tạo ra các Bản đồ Tư duy lại dễ dàng và thú vị, bởi vì chúng theo nhu cầu sẵn có và năng lực tiềm tàng của bộ não chứ không phải là đối lập với chúng. Vậy, bộ não có những nhiệm vụ gì then chốt trong việc tạo ra Bản đồ Tư duy? Rất đơn giản là: Tưởng tượng và liên kết.
v   Bảy bước để tạo nên một bản đồ tư duy:
Bước 1: Bắt đầu từ TRUNG TÂM của một tờ giấy trắng và kéo sang một bên. Tại sao? Bởi vì bắt đầu từ trung tâm cho bộ não, sự tự do để trải rộng một cách chủ động và để thể hiện phóng khoáng hơn, tự nhiên hơn.
Bước 2: Dùng một HÌNH ẢNH hay BỨC TRANH cho ý tưởng trung tâm. Tại sao? Do một hình ảnh có giá trị tương đương cả nghìn từ và giúp ta sử dụng trí tưởng tượng của mình.
Bước 3: Luôn sử dụng MÀU SẮC. Tại sao? Bởi vì màu sắc cũng có tác dụng kích thích não như hình ảnh. Màu sắc mang đến cho Bản đồ Tư duy những rung động cộng hưởng, mang lại sức sống và năng lượng vô tận cho tư duy sáng tạo và nó cũng thật vui mắt.
Bước 4: Nối các NHÁNH CHÍNH tới HÌNH ẢNH trung tâm, và nối các nhánh cấp hai, cấp ba với nhánh cấp một và cấp hai, v.v… Tại sao? Bởi vì, như ta đã biết, bộ não làm việc bằng sự liên tưởng. Nếu ta nối các nhánh lại với nhau, sẽ hiểu và nhớ nhiều thứ dễ dàng hơn rất nhiều.
Bước 5: Vẽ nhiều nhánh CONG hơn đường thẳng. Tại sao?Vì chẳng có gì mang lại sự buồn tẻ cho não hơn các đường thẳng. Giống như các nhánh cây, các đường cong có tổ chức sẽ lôi cuốn và thu hút được sự chú ý của mắt hơn rất nhiều.
Bước 6: Sử dụng MỘT TỪ KHÓA TRONG MỖI DÒNG. Bởi, các từ khóa mang lại cho Bản đồ Tư duy của ta nhiều sức mạnh và khả năng linh hoạt cao. Mỗi từ hay mỗi hình ảnh đơn lẻ giống như một cấp số nhân, mang đến cho những sự liên tưởng và liên kết của nó diện mạo đặc biệt.
Bước 7: Dùng những HÌNH ẢNH xuyên suốt. Bởi vì giống như hình ảnh trung tâm, mỗi hình ảnh cũng có giá trị của một ngàn từ. Vì vậy, nếu ta chỉ có mười hình ảnh trong Bản đồ Tư duy của mình thì nó đã ngang bằng với mười nghìn từ của những lời chú thích.
3. Ứng dụng bản đồ tư duy trong giảng dạy
3.1. Ging dạy
Bản đồ tư duy là công cụ lý tưởng cho việc giảng dạy và trình bày các khái niệm trong lớp học. Bản đồ tư duy giúp giáo viên tập trung vào vấn đề cần trao đổi cho sinh viên, cung cấp một cái nhìn tổng quan về chủ đề mà không có thông tin thừa. Sinh viên sẽ không phải tập trung vào việc đọc nội dung trên Slide,thay vào đó sẽ lắng nghe những gì giáo viên diễn đạt. Hiệu quả giảng bài sẽ được tăng lên.
Có một điều thú vị, trong quá trình giảng dạy giáo viên có thể thêm ngay vào bản đồ tư duy bài giảng của mình những ý tưởng hay, đột phá mà giáo viên chợt nghĩ ra hay từ sự đóng góp của sinh viên. Giáo viên làm việc này bằng cách thêm từ khoá vào nhánh tương ứng hoặc tạo ra 1 nhánh mới.
3.2. Chuẩn bị tài liệu, bài tập phát trên lớp học
Bản đồ tư duy là công cụ giảng dạy lý tưởng, giúp ta phân phát tài liệu bài tập trong lớp học, vì trong sơ đồ tư duy sẽ chứa thông tin ngắn gọn, màu sắc, hình ảnh cùng với cách bố trí trực quan hấp dẫn sẽ cuốn hút các sinh viên ngay lập tức. Mindmap cung cấp cái nhìn tổng quan, ngắn gọn về một chủ đề, làm cho ngay cả những vấn đề phức tạp nhất cũng trở nên dễ hiểu và thú vị.
3.3. Khuyến khích thảo luận và suy nghĩ độc lập
Theo nghiên cứu của trường tiểu học Cambridge gần đây, đánh giá rằng việc tương tác trong lớp học và lắng nghe sinh viên là yếu tố quan trọng để giúp sinh viên suy nghĩ độc lập. MindMap là công cụ lí tưởng hỗ trợ cho các cuộc thảo luận  trong  lớp,  vì  bản  chất  bản  đồ  tư  duy  khuyến  khích các  sinh  viên tập trung liên kết giữa các chủ đề cũng như hình thành lan tỏa ý tưởng và ý kiến của họ.
3.4. Đánh giá sinh viên
MindMap là một công cụ quan trọng, giúp ta đánh giá kiến thức củasinh viên trước và sau bài giảng về một chủ đề cụ thể. Qua đó, người giảng viên có thể theo dõi sự hiểu biết của sinh viên. Bản đồ tư duy khuyến khích sinh viên thể hiện ý tưởng theo sự hiểu biết của cá nhânvà tự đánh giá bản thân sau buổi học.
4. Ứng dụng bản đồ tư duy trong học tập
Bản đồ tư duy còn là công cụ hữu ích đê giúp cho sinh viên đạt kết quả học tập tốt hơn, cải thiện khả năng nhớ. Quan trọng hơn là công việc ghi chép của sinh viên sẽ đột phá đáng kể giúp tiết kiệm thời gian của mình.
4.1. Ghi chép và ghi chú
Đầu tiên, MindMap là công cụ ghi chép thông tin vô cùng hiệu quả. Ta đã từng trải qua cảm giác bị quá tải vì số lượng bài học cần ghi chép ngày càng nhiều và gặp khó khăn để ghi nhớ chúng. Bản đồ tư duy đề xuất cách ghi thông tin chỉ bằng TỪ KHOÁ, sau đó liên kết các kiến thức, ý tưởng một cách trực quan. Mọi thông tin chỉ thể hiện trên một trang giấy sẽ cho ta BỨC TRANH TOÀN CẢNH lượng kiến thức của môn học. Sau buổi học, sinh viên nhìn qua là có thể ôn lại.
4.2. Lên kế hoạch làm bài tập lớn
Sử dụng MindMap để lên kế hoạch cho tiểu  luận, phát triển ý tưởng nhanh chóng và hầu như là vô tận. Cấu trúc lan toả của MindMap cho phép ý tưởng tuôn trào, sinh viên chỉ việc viết ra, sắp xếp theo ý chính. Điều đặc biệt là với Bản đồ tư duy, não ta sẽ tập trung hoàn toàn vào chủ đề viết mà không bị xao lãng.
4. 3. Học bài thi
Thi cử là nỗi ám ảnh của sinh viên. Trước ngày thi thường phải “tiêu thụ” một lượng lớn kiến thức và bài tập. Có sinh viên tất tả đi mượn vở của những bạn sinh viên đi học đầy đủ để photo. Cầm bản photo là thấy “ngán” vì phải bắt đầu đọc lại từ đầu.
Giải pháp là giảng viên đã hướng dẫn sinh viên lập MindMap cho từng môn học ngay từ đầu năm, thêm vào những ý chính, quan trọng. Dành ra khoảng 5 phút mỗi ngày để xem lại bổ sung, cập nhật những kiến thức học được mỗi ngày. Thông tin từ các nhánh trong Bản đồ tư duy sẽ liên kết với nhau. Cuối cùng những kiến thức sẽ được ghi nhớ một cách chủ động. Việc thi cử giờ đã trở nên dễ dàng.
4.4. Kích thích sự sáng tạo và giải quyết vấn đề
Khi gặp phải vấn đề khó, theo bản năng ta sẽ trở nên hốt hoảng và lo lắng. Lúc này tim sẽ đập nhanh hơn và cảm thấy căng thẳng. Thay vì “ép” não mình tìm ngay giải pháp, ta hãy dùng MindMap để vẽ ra nhiều khả năng và lựa chọn cho vấn đề. Sinh viên có thể thông qua MindMap tìm được giải pháp nhanh nhất, dễ nhất và tốt nhất dành cho mình.
Tony Buzan – cha đẻ của Bản đồ tư duy khuyên rằng ta nên ghi ra tất cả ý tưởng dù là ngẫu nhiên, điên rồ hay ngớ ngẩn. Chính những ý tưởng này sẽ kích hoạt TIỀM NĂNG SÁNG TẠO vô tận bên trong mỗi chúng ta.
4.5. Thuyết trình
Khi còn học cấp 3 hay học lên cao đẳng, đại học, sinh viên rất ngại phải thuyết trình. Chúng ta cảm thấy không tự tin, mất bình tĩnh trước đám đông dẫn đến quên nội dung cần thuyết trình. Bài thuyết trình càng dài thì cảm giác lo lắng càng lớn.
Khi chọn MindMap làm giải pháp thuyết trình, ta không phải mất thời gian  đọc từng Slide nhàm chán.  Thay vào đó, dùng MindMap để ghi lại TỪ KHOÁ và HÌNH ẢNH. Việc này kích hoạt kỹ năng diễn đạt và khả năng nhớ của ta. Công việc thu yết trình sẽ trở nên tự nhiên hơn và ta sẽ có nhiều thời gian để giao tiếp với khán giả của mình hơn.
(Sưu tầm)